SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN 7

Khi thai nhi được 7 tuần tuổi là thời điểm vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Điều quan trọng là mẹ nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động nhẹ nhàng thường xuyên để duy trì sức khỏe cho bản thân cũng như sự phát triển của con yêu.

1. Thai nhi 7 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Đã bước sang tuần thứ 7 của thai kỳ, chắc hẳn bạn đã quen dần với sự hiện diện của em bé trong bụng rồi. So với tuần đầu tiên, ở tuần này bé đã có sự phát triển rõ rệt nhất. Từ bàn tay và bàn chân, bắt đầu phát triển những ngón tay và ngón chân có màng. Xương đuôi (phần mở rộng của xương cụt) đang dần co lại và sớm biến mất trong những ngày tới. Bên cạnh đó, các tế bào thần kinh cũng đang tích cực phân nhánh để kết nối lại với nhau, tạo thành một hệ thần kinh sơ khai. Các cơ quan nội tạng cũng phát triển nhanh chóng, bé đã có mí mắt và ống thở kéo dài từ cổ họng đến các nhánh của phổi đang được hình thành.

Thai nhi trong tuần thứ 7 vẫn có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng quả mâm xôi và dài khoảng 1,3 cm. Tim thai đã xuất hiện, nếu bạn đi khám thai trong tuần này, bác sĩ có thể nghe thấy nhịp tim thai thông qua máy siêu âm.

Thai nhi 7 tuần tuổi mắt sẽ to hơn và thậm chí bắt đầu có màu mắt. Vào giai đoạn từ 6-9 tháng, màu mắt vĩnh viễn của bé sẽ trở nên rõ ràng. Gen di truyền từ mẹ và bố sẽ là yếu tố quyết định màu mắt của con.

Tai của thai nhi tuần thứ 7 đã hình thành cả trong lẫn ngoài. Chiếc lưỡi bé tí xíu cũng bắt đầu xuất hiện trong vòm miệng và chân răng cũng bắt đầu được hình thành trong hàm. Tuy nhiên, trong tuần này, bộ phận sinh dục của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để bộc lỗ rõ giới tính là nam hay nữ.
 

2. Những thay đổi của mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 7

Thời điểm hiện tại vẫn còn khá sớm để có thể cảm nhận được rằng tử cung của bạn đang nong rộng ra. Bụng bầu vẫn được che giấu bởi xương chậu và sẽ không nhô ra cho tới tuần 12. Ngoài ra, bạn có thể nhìn thấy những mạch máu nổi rõ lên ở vùng ngực và chân. Nếu bạn đứng lâu một chỗ sẽ cảm thấy chân bị đau và tê. Hãy cố gắng nâng chân lên bất cứ khi nào có thể, bạn có thể gác chân lên ghế thường xuyên để giúp lưu thông máu.

Mẹ sẽ có dấu hiệu nổi mụn ở tuần 7

Mặc dù sự thay đổi của cơ thể vẫn chưa thể hiện rõ ra bên ngoài, nhưng bạn đã có thể cảm nhận thấy cân nặng của mình đang nhích lên và mặc quần áo bị trật đi một chút. Thêm vào đó, hai đầu vú có thể sẽ lớn ra và thâm lại, thậm chí còn có mụn nhọt mọc quanh quầng vú. Những nốt này được gọi là Montgomery, giúp cho hai đầu vú sẵn sàng tiết sữa. Nếu bạn xuất hiện những nốt này trên ngực, đừng nặn hay nắn bóp, vì chúng thực sự rất hữu ích.

Chất dịch nhầy tiết ra từ âm đạo cũng nhiều hơn trước. Mẹ bầu không nên lo lắng, vì đây là điều bình thường xảy ra trong suốt giai đoạn mang thai. Trừ những trường hợp xuất hiện các dấu hiệu khác thường như dịch tiết ra có mùi khó chịu, chuyển sang màu vàng hoặc xanh và khiến vùng kín của bạn tấy rát. Lúc này, bạn nên tìm đến các bác sĩ phụ sản khoa để kiểm tra.

Thêm một điều mà có lẽ khiến nhiều chị em cảm thấy lo lắng, đó là bạn sẽ được quay trở lại thời dậy thì ở tuần thứ bảy với nhiều nốt mụn xuất hiện trên mặt. Thủ phạm chính gây ra những nốt mụn “đáng ghét’ kia chính là sự thay đổi của các hormone thai kỳ. Bạn nên cẩn thận với những loại mĩ phẩm đang dùng cho da mặt, bởi một số sản phẩm có thể không phù hợp và không lành tính đối với thai phụ.

Trong tuần này, các hormone nội tiết tố trong cơ thể cũng thay đổi mạnh mẽ, dẫn tới những xáo trộn trong cảm xúc. Tuy nhiên, những nội tiết tố này đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp duy trì và ổn định thai kỳ, đồng thời đảm bảo cho bé yêu phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ. Bên mặt tích cực, nó còn gây ra một số vấn đề khác như thay đổi tính khí, “sáng nắng chiều mưa”, thất thường, cảm xúc bất ổn, kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, choáng váng, đau nhức ngực, cơ thể mệt mỏi, chán ăn,...

3. Lời khuyên dành cho mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 7

Đây là thời điểm lý tưởng nhất để bạn thông báo tin vui đến mọi người trong gia đình. Bên cạnh đó, trong thời điểm nhạy cảm này, bạn và người thân cũng nên lên kế hoạch cho việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ thật chu đáo.

Sang tuần thứ 7, mẹ cần tăng gấp đôi hàm lượng chất sắt cho cơ thể. Giai đoạn này, bé đang phát triển mạnh mẽ, nên thể tích máu sẽ phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu cho bé yêu. Nếu bạn không cung cấp lượng sắt đầy đủ có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu. Để bổ sung sắt khi mang thai, mẹ nên chọn những loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, trứng, rau xanh dạng lá và hạnh nhân.

Các triệu chứng buồn nôn, khó tiêu, ợ chua hay một số thay đổi khác về hệ tiêu hóa có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề ăn uống cho mẹ bầu. Để đối phó với những cơn ốm nghén, bạn nên cố gắng chia nhỏ các khẩu phần ăn, ăn nhiều bữa trong ngày thay vì ăn ba bữa chính. Bạn cũng nên hạn chế các loại thức ăn gây kích thích hệ tiêu hóa, luôn ăn thực phẩm đã nấu chín, bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày cho cơ thể.

Nếu mẹ có thói quen tập luyện thể dục thường xuyên, bạn có thể tiếp tục duy trì nó. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tiết chế các bài tập của mình, nên chọn và thực hiện những bài tập luyện nhẹ nhàng, hoạt động ở cường độ vừa phải trong thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày trong tuần. Bạn có thể tham gia vào các lớp tập yoga dành cho bà bầu để giúp cơ thể thoải mái hơn trong giai đoạn thai nghén.

Trong trường hợp bạn phải ngồi máy tính thường xuyên, bạn nên đứng dậy và đi dạo một chút sau một khoảng thời gian ngồi máy tính để máu được lưu thông. Bởi vì ngồi liên tục trước máy tính trong nhiều giờ đồng hồ không hề tốt cho hệ tuần hoàn máu.

Hãy tránh xa những nơi có khói thuốc, bởi khói thuốc là tác nhân chính gây ra những biến chứng nguy hiểm ở thai nhi, làm giảm trọng lượng và chỉ số IQ của bé. Tốt nhất bạn không nên hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc trong mọi trường hợp. Bên cạnh thuốc lá, các chất kích thích như rượu, bia hoặc ma túy đều vô cùng độc hại với thai nhi, nếu lạm dụng quá nhiều rượu sẽ dẫn tới nguy cơ cao mắc hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi, ảnh hưởng tới trí tuệ và sự phát triển bình thường của trẻ khi sinh ra.
 

Mẹ bầu có thể tập yoga vào tuần thai thứ 7

Hệ thống Phòng Khám 936 Trương Định
Đồng hành cùng mẹ - Sẵn sàng đón bé
Địa chỉ: 936 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội
☎️Hotline : 090.813.4884 - 0243.864.6502

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây